DINH DƯỠNG CHO BÉ SƠ SINH – THỜI KỲ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG
Mọi người thường nghĩ “dinh dưỡng vàng” chỉ là thời kỳ chăm sóc cho mẹ và thai nhi. Thực tế “dinh dưỡng vàng” là những dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và bé trong quá trình chuẩn bị, mang thai và những năm tháng sau sinh. Và giai đoạn từ 0 đến 12 tháng tuổi bé cần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt.
Không hề có một công thức chung cho tất cả các bé nên ăn gì, khối lượng bao nhiêu. Tùy vào thể trạng và điều kiện gia đình mà ba mẹ có thể linh hoạt trong chế độ dinh dưỡng
Dưới đây là những thông tin nền tảng để ba mẹ tự tin chăm sóc sức khỏe con yêu trong giai đoạn cực kỳ quan trọng này.
1. Giai đoạn từ sơ sinh đến 4 tháng tuổi – Nuôi con bằng sữa mẹ
Đây là giai đoạn theo bản năng bé chỉ đi tìm núm vú, tìm nguồn sữa mẹ. Giai đoạn này hệ tiêu hóa bé mới đang dần phát triển, còn non nên chưa nên dùng thức ăn đặc.
Vì vậy, trẻ cần được cho bú mẹ theo nhu cầu hoàn toàn trong 4 tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên một số mẹ bị sữa xấu hay ít sữa cần bổ sung thêm cho bé sữa công thức.
2. Giai đoạn từ 4 đến 6 tháng tuổi – Bé tập ăn dặm
Giai đoạn này bé bắt đầu kiểm soát được cử động đầu, cổ, dùng lưỡi để di chuyển thức ăn và lượng thức ăn cũng đòi hỏi nhiều hơn.
Thời điểm này ba mẹ cần tập cho trẻ ăn dặm thêm ngoài sữa mẹ, nhưng sữa mẹ vẫn là một nguồn dinh dưỡng quý giá cần tiếp tục duy trì. Mẹ lưu ý cách cho bé bú cũng rất quan trọng: mỗi lần bú, mẹ cho bé bú một chút bên bầu vú này rồi một chút bên bầu vú kia; muốn bé tăng cân thì bé phải được bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối. Mẹ cho bé bú một chút bên này rồi một chút bên kia làm cho bé chỉ nhận được sữa đầu, do đó bé không tăng cân nhiều mặc dù mẹ nhiều sữa.
Thức ăn dặm cho bé đơn giản bao gồm ngũ cốc xay nhuyễn đi kèm sữa mẹ hay sữa công thức. Tùy theo sở thích mà lượng sữa điều chỉnh cho hợp lý. Mẹ đặc biệt lưu ý nấu chín, nghiền, xay nhỏ thức ăn; vệ sinh kỹ các dụng cụ ăn uống vì hệ tiêu hóa của trẻ còn rất nhạy cảm.
3. Giai đoạn từ 6 đến 10 tháng tuổi
Giai đoạn trẻ bắt đầu học lẫy, học bò, bám víu vào thành giường, mép tủ tập đứng… tiêu hao rất nhiều năng lượng. Vì vậy chế độ ăn dặm cầu kì hơn và đảm bảo dinh dưỡng hơn giai đoạn từ 4 đến 6 tháng tuổi. Cho bé tập ăn từ ít tới nhiều, từ loãng tới đặc dần để bé có thể làm quen từ từ với thức ăn, bé không bị tiêu chảy hay bị suy dinh dưỡng do không hấp thụ.
Cần đa dạng thực đơn ăn dặm và ăn dặm bao nhiêu bữa trên ngày là hợp lý. Thực tế không nên cứng nhắc nếu mẹ cho bé bú dày hơn thì có thể giảm số lần ăn dặm; trung bình ăn dặm hai bữa trên ngày là hợp lý. Chỉ cần đảm bảo khoảng thời gian giữa hai bữa ăn dặm cách xa nhau và nếu bé lười ăn, khó ăn thì cần chia thành nhiều bữa nhỏ.
Theo thời gian mẹ cần bổ sung một lượng nhỏ phô mai mềm tiệt trùng, sữa chua, phô mai, các loại ngũ cốc giàu chất sắt (gạo, lúa mạch, lúa mì, yến mạch, ngũ cốc hỗn hợp); trái cây và rau quả (chuối, đào, lê, bơ, cà rốt nấu chín, bí, khoai tây,…) vào khẩu phần ăn dặm cho bé.
4. Giai đoạn từ 10 đến 12 tháng tuổi
Lúc này bé nuốt thức ăn dễ dàng hơn, bé mọc răng muốn cắn và nhai nhiều hơn khi răng ổn định. Khi đó mẹ có thể cho bé dùng thêm những thưc phẩm như trái cây nghiền hoặc bóc vỏ và cắt thành từng miếng vuông; rau hấp cho chín mềm, cắt thành miếng nhỏ; các loại thực phẩm bé có thể cầm tay và ăn (bánh mì nướng cắt nhỏ, chuối chín cắt lát, nui nấu chín, bánh quy giòn,…).
Và một lượng rất nhỏ thực phẩm giàu đạm (trứng, thịt xay nhuyễn, thịt gia cầm, cá không xương, đậu phụ, đậu Hà Lan, đậu đen).
Lưu ý thử trước khi cho bé sử dụng đều để đề phòng dị ứng cho bé.